Cây chè (trà) đã có từ hàng ngàn năm, với bề dầy lịch sử trải dài đến tận ngày nay, trà dường như đã quá quen thuộc với nhiều người. Bắt nguồn từ Á Đông nay đã lan rộng sang toàn thế giới.
Trà từ đơn giản như thức uống giải khát, như một vị thuốc quý và trở thành nghệ thuật. Trà có trong cuộc sống đời thường, trong quan niệm Phật giáo và cũng trở thành điều gì đó rất gần gũi và thanh tao. Cùng Shin tea điểm qua những ý chính về những người có ảnh hưởng đầu tiên đến văn hoá trà ở các nước trên thế giới, tìm hiểu lịch sử cây chè và đặc biệt là lịch sử cây chè ở Việt Nam và những ai có ảnh hưởng nhất, có thể coi là ông tổ trà của chúng ta nhé
I. Những nhân vật được coi là có sự ảnh hưởng lớn đến cây chè, và văn hoá uống chè trên thế giới
1. Trung Quốc
Nhắc đến việc uống trà, là người ta thường liên tưởng ngay đến Văn hóa trà Trung Quốc, Từ truyền thuyết Đạt Ma buồn ngủ, giứt 2 lông mi của mình vứt xuống đất thành cây chè, mà các ka hán khác uống vào thấy tỉnh táo, hay thánh trà Lư Đồng, thần trà Lục Vũ, người được coi như những ông tổ trà bởi sự đóng góp, ghi chép và truyền lại cho đời sau nhiều kiến thức khổng lồ, và có giá trị về cây chè, và văn hoá thưởng trà trên Thế giới.
2. Nhật Bản
Ở Nhật Bản, người đầu tiên sáng tác ra cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” ở khoảng Thế kỷ 12 là nhà sư Eisai(1141-1215) sau khi sang tu tập và tiếp xúc văn hoá trà Trung quốc, Sau khi đem hạt cây chè về trồng, từ đó ông đã phát triển ra một thứ nghệ thuật uống trà kết hợp với Đạo, Thiền không gì khác chính là Cha No yuu. Cách thức pha và uống chano yuu của trường phái này dần dần được trình tự hoá thành một nghệ thuật, được gọi là sadou, nghĩa là Trà đạo
Tới thế kỷ 14, nhà sư Murata Juko đã kết hợp vẻ giản dị trong việc thưởng trà, với Zen (Thiền) trong Phật giáo. Từ đó hình thành lên văn hóa Trà đạo (Chanoyu hay Chado), ban đầu nghệ thuật Trà đạo chỉ phổ biến trong tầng lớp quý tộc, lãnh chúa và phải đến thế kỉ 17, Trà sư Furuta Oribe đem sự tinh tế của Nghệ thuật Trà Đạo hòa vào mạch sống của quần chúng. Chính điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống văn hóa, tinh thần và tâm linh sâu sắc của người Nhật về sau
3. Anh Quốc
Ít ai biết rằng, người đầu tiên mang trà tới Anh Quốc lại là người phụ nữ Bồ Đào Nha. Hãy nhớ tới điều đó mỗi khi uống trà tại Anh, hay theo phong cách Trà chiều của Anh, trong chiếc cốc tinh tế tại khách sạn Ritz, hay đứng dưới tấm chân dung Bá tước Grey tại Bảo tàng Victoria & Albert.
Trên đường di chuyển đến Anh để cưới vua Charles III , Catherine vùng Braganza (công chúa, con gái Vua John IV của Bồ Đào Nha) đem theo rất nhiều thùng trà như một món đồ hồi môn, tuy ban đầu những thùng trà này được sử dụng như những vị thuốc quý giúp cơ thể và đầu óc tỉnh táo, sảng khoái song dần dần đã được phổ biến rộng rãi từ Hoàng gia đến cộng đồng nước Anh thời bấy giờ.
Sau này đến TK X1X khi mà nước Anh có Văn hóa uống trà, thì một nữ công tước thứ 7 của một thị xã thủ phủ Bedford (Bedfordshire, ở Đông nước Anh) tên là Anna được cho là đã phàn nàn về việc “có cảm giác đói” vào buổi chiều. Vào thời điểm đó, thông thường mọi người chỉ dùng hai bữa chính mỗi ngày, bữa sáng và bữa tối vào khoảng 8 giờ tối. Giải pháp cho cơn đói của Anna là một bình trà và một món ăn nhẹ (bánh ngọt), được dành riêng cho cô ấy vào buổi chiều. Sau này, những người bạn của nữ công tước cũng được mời đến những buổi Trà chiều như vậy, thói quen này vẫn được duy trì khi cô trở lại London. Tiệc Trà chiều vì thế cũng được mở rộng hơn, với số lượng người tham dự nhiều hơn, chủ yếu là “uống trà và đi dạo trên những bãi cỏ” Đến ngày nay “At haft past three, everything stops for tea” ("Mọi thứ đều dừng lại vào lúc ba giờ rưỡi chiều để dành thời gian cho việc thưởng trà) đó là câu nói cửa miệng của người Anh khi nói đến việc uống trà lúc 3h chiều.
Trên thế giới, có rất nhiều quốc gia hiện đang phát triển mạng ngành công nghiệp sản xuất và chế biến trà (chè) và rất nhiều trong số đó đều được ảnh hưởng nguồn gốc từ văn hoá uống trà của người Á Đông, và một số thông tin tiêu biểu ở trên chỉ là ví dụ nhỏ mà thôi
II. Lịch sử cây chè và văn hoá uống trà gắn liền với những ông Tổ của trà của Việt Nam:
Lịch sử của cây chè có từ hàng ngàn năm, nhưng không ai biết chính xác thời điểm nào, dựa vào những thông tin còn sót lại hoặc những gì đã được khoa học chứng minh có thể tóm lược như sau:
1. Lịch sử cây trà ở Việt Nam
Về Trà ở xứ ta, theo sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc (HBTK XIII) có ghi: ‘vào tháng 5, năm thứ thứ tám, niên hiệu Khai Bảo, Đinh Liễn có tiến cống nhà Tống vàng, lụa, sừng tê, ngà voi và trà thơm.’
Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn (1726-1784) ghi ở mục IX về Phẩm vật: ‘Trà là một loại cây quý ở Phương Nam, cây như Qua lô, lá như chi tử (dành-dành) hoa như tường vi trắng (loại hoa hồng nhỏ) quả như Tinh Biền Lư, nhị như đinh hương, vị rất hàn.’
Trà Kinh của Lục Vũ có ghi: “Qua lô ở phương Nam cũng tựa như Trà mà nhị đắng. Người ta nấu lấy nước uống thì suốt đêm không ngủ được. Các xứ Giao Châu và Quảng Châu rất quí Trà ấy, mỗi khi có khách đến chơi thì pha mời. Đào Hoàng Cảnh nói Thiền Khê xử sĩ cũng khen Trà ấy là ngon.”
Những tài liệu trên, cho thấy Trà ở Việt Nam ta đã có từ trước và dân ta đã biết dùng Trà từ lâu.
Năm 1976, ông Djemukhatze một nhà nghiên cứu thuộc Hàn Lâm Viện Khoa Học Liên Xô đã đến nghiên cứu vùng Trà cổ thụ tại Việt Nam trong hai năm liền bằng phương pháp sinh hóa thực vật, ông đã tìm ra những vết tích cây và lá Trà hóa thạch từ thời đồ đá ở vùng đất tổ Hùng Vương Phú Thọ. Tại vùng Suối Giàng, Nghĩa Lộ, Yên Bái trên độ cao khoảng 1,000 thước trên mặt biển, có một vùng Trà hoang dại khoảng 40,000 cây, có ba cây Trà cổ thụ sống hàng ngàn năm, cây lớn nhất chiều cao khoảng 9 thước, vòng thân độ ba người ôm không xuể, ở vùng Cao Bắc Lạng có những cây Trà hoang cổ thụ cao tới 18 thước. Do đó, ông xác định Việt Nam chính là quê hương của cây Trà trên thế giới.
Theo một tài liệu khác đầy đủ hơn mà shin tea sưu tầm có ghi thế này:
Triết gia Chu Hi (1130 – 1200) có lẽ là người đầu tiên dựa vào dẫn chứng ngôn ngữ để xác minh tuổi đời cây trà. Theo ông, trong 2 tác phẩm kinh điển đồ sộ là Lễ ký và Kinh thi (xuất hiện khoảng 1000 – 500 năm trước CN) đã có nhắc đến trà khi nói đến món heo sữa, nấu xong, được gói với lá trà. Kinh thi thì ví von những thiếu nữ đẹp tựa như những đoá hoa trà. Thiên Thất nguyệt đề cập: “Tháng bảy ăn dưa. Tháng tám cắt bầu. Tháng chín thu vừng. Hái trà đốt nương”.như vậy, trà có tự rất lâu và đã được ví và đưa vào văn chương như vây.
Riêng ở Việt Nam, chỉ đến trước đời nhà Lý mới có tài liệu nhắc đến trà (1010 – 1225). Dù Việt Nam đã có trà từ trước đó rất lâu, nhưng chính vì như lời nhà văn Giản Chi: “Thư tịch Việt Nam tuy không bị cái hoạ lửa Tần nhưng đã trải biết bao nhiêu lần lửa trận. Mỗi lần thử lửa lại một lần tiêu hao”. Cũng chính là do thời nội thuộc nhà Minh (1414- 1427), bọn quan cai trị nhà Minh thâm hiểm như Hoàng Phúc, thu nhặt hết sách vở của ta mang về Tàu, khiến cho người đời sau muốn nghiên cứu về cách sinh hoạt của tổ tiên không còn tìm thấy một vết tích chính xác nào. Đến đời Ngô, Đinh, Tiền Lê, đến đời Lý, trà đã trở thành một thức uống tao nhã của giới tăng lữ, sĩ phu và quí tộc. Đời Lý Nhân Tông (1072 – 1127), ngài Viên Chiếu thiền sư, là con của anh trai bà Linh Cảm Thái hậu (vợ vua Lý Nhân Tông) có hai câu thơ: “Tiễn quân thiên lý viễn. Tiếu bả nhất âu trà”. Tạm dịch: “Tiễn khách xa vạn dặm. Cười dâng một chén trà”. Nguyễn Dữ đỗ tiến sĩ đời Hồng Đức (1470 – 1497), chép trong Truyền kỳ mạn lục: Về đời Lý Huệ Tông (1211 – 1225) có một vị tiên nghiện trà giáng sinh làm con Dương Tạc, một vị quan nhỏ ở phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (Tỉnh Hà Tây cũ). Tạc đặt tên con là Thiên Tích. Thiên Tích lớn lên thích uống trà, thường tự ví mình với Lư Đồng, Lục Vũ, hai thần trà nức tiếng của đời Đường (Trung Hoa), sau làm quan tới chức Đề hình, nổi tiếng là trung hiếu và liêm chính.
Đời Trần (1225- 1400) có chuyện một gã pha trà dám mắng cả hoàng tử. Chuyện như sau: Nguyên con thứ của vua Trần Thái Tông tên là Trần Ích Tắc, tước phong Chiêu Quốc Vương, nổi tiếng thông minh, tài giỏi. Ông mở trường dạy học ở bên phủ, sĩ tử bốn phương kéo đến học tập rất đông đều được ông cung cấp lương thực và các chi phí khác. Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng và phần lớn nhân tài đời Nhân Tông và Anh Tông đều là môn sinh của Ích Tắc. Ích Tắc tự phụ tài trí, có ý muốn cướp ngôi vua Thánh Tông. Năm Trùng Hưng nguyên niên (1285) đời vua Nhân Tông, quân Nguyên sang đánh nước ta. Ích Tắc bèn dẫn gia quyến ra đầu hàng, theo về kinh Bắc, được vua Nguyên phong làm An Nam quốc Vương. Sau khi quân ta hai lần đánh tan quân Nguyên, mộng làm vua của Ích Tắc bị vỡ. Ích Tắc phải ở lại Trung Quốc, vua Nguyên thương tình phong cho chức Bình chương ở Ngạc Châu (Tỉnh Hồ Bắc). Tháng 2 năm Trùng Hưng thứ 8 (1292), vua Nguyên sai sứ sang dụ vua Nhân Tông vào chầu. Vua lấy cớ đang có tang không thể đi được, cử Nguyễn Đại Phạp cùng Hà Duy Nham sang sứ nhà Nguyên để phân trần. Đại Phạp trước kia là trà đồng của Chiêu Đạo Vương Trần Quang Sưởng, anh ruột của Trần Ích Tắc. Sứ thần nước ta tới Ngạc Châu, vào yết kiến viên Bình chương ở đó. Đại Pháp thấy Ích Tắc ngồi ở sảnh đường, lờ đi không chào hỏi. Ích Tắc nổi giận chỉ tay vào mặt Đại Pháp nói: “Nhà ngươi là trà đồng ở thư phòng Chiêu Đạo Vương, sao dám vô lễ với ta?”. Đại Pháp ung dung đáp: “Việc đời đã đổi khác xưa. Đại Pháp nay tuy trước là trà đồng của Chiêu Đạo Vương nhưng nay đường đường là sứ thần một nước. Cũng như Bình Chương trước là Hoàng tử nhưng nay chỉ là kẻ hàng địch bán nước mà thôi”. Ích Tắc nghe nói cúi đầu hổ thẹn, lẻn trốn đi nơi khác. Từ đó, mỗi khi có sứ thần Việt Nam đến, Ích Tắc không dám ngồi ở sảnh đường nữa.
Cũng trong đời Trần, xuất hiện nhiều áng văn thơ nói tới thú uống trà như bài “Phúc hương viên” của Thượng tướng Trần Quang Khải, bài “Tặng sĩ đồ tử đệ” của Huyền Quang hoàng thượng. Bài “Xuân đán” của Chu Văn An. Bài “Cửu nguyệt tam thập dạ hữu cảm” của Trần Nguyên Đán. Bài “Tống bắc sứ ngưu lượng” của vua Trần Nghệ Tông.
Nhờ ảnh hưởng của văn chương mà sang đời Lê (1428 – 1788), trà càng phổ biến. Trong số các danh nhân ưa trà đời Lê, chúng ta phải kể đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khản. Nguyễn Trãi sau khi giúp Lê Thái Tổ bình định giặc Minh, chức làm đến Nhập nội hành khiển (ngang với Thủ tướng bây giờ), thế mà trong bài thơ “Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác”, ông vẫn mơ màng đến cái thú uống trà pha bằng nước suối: “Giã nhà đúng mười đông. Nay về còn nửa cúc tùng lơ thơ. Lâm tuyền nào phụ nguyền xưa. Cõi trần cặm cụi bây giờ thương ta. Về làng như giấc mộng qua. Lửa binh chưa dứt may ra thân còn. Bao giờ nhà dựng đầu non. Pha trà nước suối gói hòn đá ngơi”.
Trạng nguyên Nguyễn Bình Khiêm có thể ví với Lục Vũ, Lư Đồng. Ông từ chối quan trường để được tự do: “Khát uống trà mai, hương ngọt ngọt. Giấc nằm hiên nguyệt gió hiu hiu”. Còn Nguyễn Khản đỗ tiến sĩ đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), làm quan trong phủ chúa Trịnh, được Trịnh Sâm rất quý mến, phong tước Kiều Nhạc Hầu. Khản bản tính phong lưu, thích nghe hát ả đào và nghiện trà. Có lần ở nhà trà hết, ông viết vào giấy mấy chữ: “Thần Khản khất trà nhất lạng” nghĩa là “Thần là Khản xin một lạng trà”, rồi cho người đưa dâng chúa. Trịnh Sâm liền sai thị thần mang đến ban cho một thùng trà hảo hạng.
Đời Lê, trà không còn chỉ quanh quẩn trong triều đình, giới tăng lữ, sĩ phu mà đã lan rộng khắp trong dân chúng và trở nên một thượng phẩm quan trọng. Song nghề trồng trà và chế tạo trà ở nước ta xuất hiện từ bao giờ? Câu hỏi đó, bây giờ vẫn là một ẩn số. Nhưng chắc chắn đến cuối nhà Lê, trà nghiệp đã phát đạt lắm. Theo sách “Lê quý kỷ sự” và “Đăng khoa lục cầu giảng”, đời vua Lê Hiển Tông, trong nước nhiều giặc giã, quân đội phải đi đánh dẹp không ngừng, lại gặp chúa Trịnh Sâm hay xây dựng cung điện lâu đài rất tráng lệ, thành ra công khố hao hụt. Thấy trà và muối là hai thứ sản xuất trong nước mà mọi người đều cần dùng, Trịnh Sâm bắt chước vua Đường Đức Tông muốn đánh thuế trà và muối để làm giàu cho công quỹ. Chúa sai quan lại một mặt điều tra số lượng trà và muối sản xuất hàng năm trong nước, mặt khác làm sổ hộ khẩu để biết số lượng tiêu thụ hầu có đủ tài liệu đánh thuế. Lệnh ấy truyền ra, nhiều ruộng muối bị bỏ hoang, nhiều vườn trà bị phá huỷ vì chủ đất sợ không đủ tiền nộp thuế sẽ bị tù tội. Trà và muối tự nhiên khan hiếm, giá cao vọt lên, dân tình huyên náo. Chúa Trịnh muốn thăm dò dư luận, nhân gặp khoa thi Hương mới ra đề thi bàn về việc triều đình dự tính đánh thuế trà và muối để gia tăng công quỹ. Kết quả là hết thảy các sĩ tử đều phản đối thuế trà. Có một bài nghị luận đanh thép, trong có mấy câu đến nay còn truyền tụng: “Nghe thấy lệnh đánh thuế trà, mặt mụ hàng trà xanh lợt. Nghe thấy lệnh đánh thuế muối, đầu ông bán muối bạc phơ”. Chúa thấy lòng dân chống đối, bèn thôi không đánh thuế trà và muối.
Dưới đời Tây Sơn, trà tiêu thụ càng nhiều và việc buôn bán trà càng phát triển. Một nhà hàng hải người Anh tên là Chapman ghé thăm Nam kỳ năm 1778 nhận xét: “Đường bộ từ hải cảng Qui Nhơn đến hoàng thành của Nguyễn Nhạc, đi qua làng nào cũng thấy có những hiệu bán trà”. Cuối Lê, đầu Nguyễn, Phạm Đình Hổ dành cho trà cả một chương trong “Vũ trung tuỳ bút”: “Các nhà quý tộc, các bậc công hầu, các con em nhà quý thích đều đua chuộng xa xỉ, có khi mua một cái ấm chén, phí tổn đến vài mươi lạng bạc. Thường có nhiều người qua chơi các hiệu chè, thăm dò các phố buôn, vác tiền hết quan ấy đến chục khác để mua chuốc lấy chè ngon. Kẻ thì ưa thanh hương, người thì thích hậu vị, kén hiệu trỏ tên mà mua cho được để bày khay chén ra nếm thử. Thậm chí có kẻ đặt tiền sẵn để mua cho được hiệu chè Chính Sơn, gửi tàu buôn để đặt cho được kiểu ấm chén mới lạ, cách hiếu thượng đến thế là cùng cực”. Ngoài Phạm Đình Hổ, hầu hết các thi hào đời Nguyễn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Trần Tế Xương đều có thơ tán tụng trà. Trà cùng với Truyện Kiều và tổ tôm đã trở thành ba thứ quốc tuý mà người Nam nước Việt không thể không biết: “Làm trai biết đánh tổ tôm. Uống trà Mạn hảo ngâm nôm Thuý Kiều”. Từ thành thị đến thôn quê, người ta dùng trà trong mọi trường hợp: dùng để giải khát hàng ngày trong gia đình, dùng trà để đãi khách, dùng trà để cúng giỗ, biếu xén, cưới hỏi. Trà nghiệp càng ngày càng phát đạt. Người Việt biết chế biến ra nhiều loại trà, làm cho trà thích hợp với mọi giai tầng về hương vị cũng như về giá trị tài chính. Giai cấp thượng lưu dùng trà tàu, trà mạn sen, trà ướp hoa thuỷ tiên. Cách sao tẩm cầu kỳ, hương thơm đài các, giá tiền rất đắt. Giai cấp trung lưu và bình dân dùng trà nụ, trà khô và trà tươi. Cách chế biến đơn giản, hương vị thanh đạm, giá tiền rẻ hơn. Chính nhờ những ưu điểm này mà trà đã thâm nhập vào cả những gia đình bần hàn, cùng túng.
Từ thời Pháp thuộc, tục uống trà có phần suy bại cùng với những giá trị tinh thần cổ truyền của dân tộc. Trà bị các đồ giải khát của phương Tây như cà phê, nước ngọt, rượu bia... cạnh tranh ráo riết. Tuy nhiên, cũng như nhà Nguyên bên Trung Quốc, chính phủ thực dân vẫn chú trọng tới phương diện kinh tế của trà vì trà là một nguồn lợi nông nghiệp cần khuyến khích dân chúng trồng trọt để đánh thuế và đem xuất cảng. Nhờ vậy mà nghề trồng trà tăng tiến hơn trước. Những vùng sản xuất trà ở Bắc có Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Tây. Ở miền Trung có Quảng Trị, Thừa Thiên. Ở Nam có Bình Dương, Long Khánh. Ở cao nguyên có Lâm Đồng, Đà Lạt, Đắc Lắc. Năm 1900, trà Việt Nam bắt đầu xuất cảng ra ngoại quốc. Theo tài liệu thống kê, năm 1962 trà đứng hàng thứ 3 trong các phẩm vật xuất cảng của Việt Nam, sau cao su và gạo. Song bề ngoài thì huy hoàng như vậy nhưng bên trong, cái tinh tuý, thanh tao của hương trà đất Việt đang bị phôi pha, lụi tàn. Nó dạt về các làng quê và chỉ còn phảng phất dưới mái hiên của những bậc nho sĩ. Năm 1940, Nguyễn Tuân, trong Vang bóng một thời, đã mô tả thú uống trà với một niềm tiếc nuối ngẩn ngơ một cái gì đã thuộc về dĩ vãng.
Trong suốt 30 năm chiến tranh khói lửa, các cơ sở khoa học kỹ thuật của ngành chè bị phá huỷ nặng nề, gần như xóa sổ song cây chè vẫn oằn mình bám đất vươn lên. Đặc biệt, hình ảnh những chiến sĩ Đồng Tháp Mười ung dung ngồi uống “trà quạo” bên nhau trước giờ nổ súng đã tạc vào thế kỷ một tượng đài “trà đạo” sừng sững đầy chất sử thi. Để rồi, hoà bình lập lại, trong vòng hai mươi năm, ngành chè đã trở về thế thượng phong, trở thành nước đứng thứ 5 trong hàng Top ten 10 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Năm 2014, ngành chè Việt Nam đã giành được thắng lợi lớn. Cả nước xuất khẩu được 180.000 tấn, kim ngạch đạt trên 199 triệu USD. Chè Việt Nam đã có mặt ở 67 nước. Với trên 3000 ha chè trồng mới, tổng diện tích cây chè Việt Nam đã lên tới con số kỷ lục: 124.000 ha... Đặc biệt, song song với việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, ngành chè Việt Nam đã bắt đầu chú ý tổ chức các hoạt động truyền bá văn hoá trà. Tổ chức tuần văn hoá trà, các cuộc thi chất lượng tay nghề, các cuộc hội thảo chuyên đề, các cuộc vận động sáng tác về ngành chè... Nhờ đó, con thuyền văn hoá trà Việt Nam, vốn nhiều năm chòng chành, nghiêng ngả trước sức xô dữ dội của biển đời, của những cuộc càn lướt của những chàng trà ngoại quốc khổng lồ như Lipton, Dimah..., đang dần êm mái giương buồm ra khơi.
Như vậy Không chỉ lịch sử văn hoá thưởng trà trên thế giới, mà ngay ở Việt Nam cũng đã xuất hiện rất lâu, và đặc biệt, dù là thời kỳ nào, thì việc uống trà không hề đơn giản như chúng ta nghĩ, mà còn được chú trọng cả mặt lễ nghi đến tư tưởng sống thông qua việc thưởng trà như thế nào.
2. Văn hóa uống trà ở Việt Nam và ông tổ trong việc thưởng trà
Cây trà cùng lịch sử lâu đời của nó đã chứng minh rằng, trà có tính dược, và cũng là một loại lá cây có thể làm nước giải khát, giúp cơ thể khoe mạnh, tỉnh táo…và trà cũng là thức uống được trân trọng hơn rất nhiều những thứ khác,bên cạnh như rượu hay yến tiệc, Bởi trong trà còn chứa đựng nhiều triết lý sống mà rất nhiều bậc tiền nhân đã nghiệm ra.
Trà len lỏi trong đời sống lao động, trong sinh hoạt gia đình, trong cung đình, trong mọi giới. Tuỳ vào hoàn cảnh khác nhau mà trà được coi trọng và sử dụng phù hợp. Khi giản dị, khi lại cao sang, kỳ diệu lắm.
Cách uống và cách pha trà Cũng tuỳ vào thực tế mà có những thay đổi khác nhau. Lúc thì đơn giản, nhưng lúc lại được nâng lên tầm đạo, tầm nghệ thuật thưởng trà.
TRà cũng thay đổi theo nơi sinh ra nó, phía Nam không thể giống phía Bắc, Phía đông không thể giống phía Tây và vì thế văn hoá thưởng trà mỗi vùng cũng khác nhau không có sự đồng nhất hay quy củ nào.
2.1 Thưởng thức trà Việt:
- Thuở nhỏ, vào những dịp hầu trà các bậc thúc bá trong gia đình, tôi vẫn thường nghe các cụ bảo: “Trà là một nghệ thuật lớn”. Khởi từ đất trồng, địa hình, khí núi, nắng mưa, sương gió tưới tắm, ươm bật thành lộc non, lá nõn cho đến khi thu hái, sao chế, để có được một ấm trà ngon ngồi pha mà nhâm nhi thưởng thức, đó là cả một hành trình dằng dặc mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt đến được cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng: một chén trà ngon mới thật là viên mãn. Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các thức uống của cõi nhân sinh này, trà được xem là nghệ thuật tinh vi nhất. Này nhé, cũng một đồi trà, nhưng trà hướng Đông (Đông pha) bao giờ cũng ngon hơn trà hướng Tây (Tây pha). Bởi cây trà hướng Đông đón nhận những tia nắng mặt trời buổi sớm nên phản ứng sinh trưởng khác với cây trà hướng Tây. Lại nữa, cũng một vườn trà nhưng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông là bốn mùa trà với bốn mùa hương vị. Tuyệt hảo nhất là trà “Xuân 1” hay còn gọi là trà “Tiền minh” (trước tiết Thanh minh). Khi cái giá rét của mùa đông vừa qua đi, những tia nắng ấm đầu tiên của mùa xuân vừa ló rạng thì những đọt non cũng bừng nhú trên những cành chè khẳng khiu. Thứ đọt non ấy nếu hái lúc sớm tinh mơ, khi cả đồi chè còn chìm trong sương rồi đem về “sao suốt” trên chảo gang thì hương thơm ngào ngạt như chõ xôi nếp cái, hậu vị ngọt bền vấn vít mãi trong cổ họng như ngậm đường phèn. Các cụ bảo: Uống một tách trà, đi xa vạn dặm là vậy. Loại trà ấy, thời xưa, chuyên dùng để tiến vua. Những thiếu nữ đồng trinh với đôi tay mềm mại dùng móng tay dài khẽ khàng bấm từng đọt non trên cùng của búp trà. Da thịt không được chạm vào bởi họ sợ dường như sức nóng của cơ thể, mùi của thịt da sẽ làm lệch lạc đi hương vị của trà. Khi búp trà được sao khô trên chảo gang dưới bàn tay chai dày của những nghệ nhân nức tiếng sẽ cong như lưỡi con chim sẻ nên còn gọi là trà “Tước thiệt” (lưỡi con chim sẻ). Tôi đọc sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thấy ghi danh trà hảo hạng này được sản xuất ở vùng Châu Sa Bôi, tức Quảng Trị ngày nay. Rất tiếc, nghệ thuật sao chế trà Tước thiệt nay đã bị thất truyền. Vả lại, dẫu bây giờ, ai đó có kỳ công làm được loại trà tiến vua ấy thì không hiểu giá tiền một ki-lô-gam sẽ là bao nhiêu? Và khách ẩm thuỷ thời Lipton, Dimah có đủ trình độ mà thưởng thức?
- Nói đến sự công phu, tinh vi của nghệ thuật trà, tôi vẫn kính nể nhất “anh” Trung Quốc. Vẻ màu mỡ, tốt tươi của hàng ngàn dãy núi điệp trùng bảng lảng khói sương, xanh mướt nương chè cùng những bí quyết sao tẩm “chém cột nhà thề bất khả truyền” của hàng vạn nghệ nhân trà Trung Quốc đã sản sinh ra không biết bao nhiêu danh trà nức tiếng. Những Long Tỉnh trà, Ô long trà, Đại Hồng Bào, Thiết Quan Âm, La Hán... mà bất cứ ai, dẫu chỉ một lần ghé môi cũng “phải lòng” mê mẩn. Đặc biệt, người Trung Quốc lại khéo léo phủ lên các danh trà ấy những lớp lang huyền thoại để rồi tạo nên một dòng trà truyền kỳ “độc nhất vô nhị” trên cõi thế. Nào Trảm mã trà, Vân vũ trà, Nhạn đăng trà, Thiên trụ trà..., trong đó, với tôi, trác tuyệt nhất là trà Trinh nữ. Chuyện rằng: ở ngọn núi Vũ Di (tỉnh Phúc Kiến) vời vợi cao bốn mùa sương phủ, nơi con suối Hổ Báo tuyền chùng chình vắt qua như một dải lụa mềm có một cánh rừng trà cổ thụ chừng mấy chục nghìn cây. Vào mùa xuân, khi hoa mai nở trắng ngần bên ngôi chùa cổ, cũng là lúc những đọt non trà bừng nhú. Những thiếu nữ đồng trinh đẹp dịu dàng như những bông hoa trà khẽ khàng bấm từng búp trà non mởn ấy sao cho không bị dập, bị nát để hương trà không bị ôi oai. Trà sau khi xấy khô được bọc trong những túi lụa mỏng rồi đặt vào... “chỗ kín” của thiếu nữ đồng trinh một đêm để “tẩm” hương. Khi thưởng thức, chính tố nữ ấy sẽ ngậm ngụm trà trong miệng rồi... mớm cho khách ẩm thuỷ trong tư thế... không mảnh vải che thân mà không được giao hoan. Người Trung Quốc bảo rằng: Đó là phép luyện trường sinh bất lão.
- Người Việt ta dường như mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời và đến khi về cõi thiên cổ, vẫn được tẩm liệm với trà. Có điều, trong suốt lịch sử uống trà hàng ngàn năm, Việt Nam không có một truyền kỳ nào về trà. Điều này cũng dễ lý giải bởi tâm hồn người Việt bình dị, chân chất. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta xuề xoà, thô vụng trong nghệ thuật chế biến, sao tẩm trà. Các ông Tây, bà Tàu đã không ít lần nức nở, xuýt xoa trước nghệ thuật ướp trà sen cầu kỳ, tinh tế của những nghệ nhân Hà Nội. Cần phải nói ngay rằng, trong nghệ thuật ướp trà sen, trà mạn hảo được ưa chuộng nhất. Đó là trà Tuyết Shan cổ thụ vùng mạn ngược Hà Giang mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 800 - 1300 m quanh năm sương phủ. Để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, những búp trà phải gồng sức vươn lên đón nhận từng giọt nắng mặt trời. Chính cuộc chống trả quyết liệt cho sự sinh tồn ấy đã tạo cho trà Tuyết Shan một hương vị đặc biệt, khiến những người sành trà luôn săn tìm, yêu thích. Các nghệ nhân trà Hà Nội trân trọng, nâng niu như một báu vật. Họ chọn lựa những búp trà non, những lá trà bánh tẻ. Cuống và lá trà già bị loại bỏ rồi rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi phơi khô, họ cho trà vào chum (vại), trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ... 3- 4 năm cho trà phong hoá bớt chất chát, có độ xốp như giấy bản mà hương vị đặc trưng của trà vẫn lưu giữ.
Khi ướp, người ta rải một lớp trà rồi một lớp gạo sen mỏng, rồi lại một lớp trà, một lớp gạo sen. Cứ thế cho đến khi hết trà. Sau cùng, phủ một lớp giấy bản. Thời gian ướp tuỳ thuộc vào độ ẩm của gạo sen nhiều hay ít, thường từ 18 - 24 giờ. Sau đó, đem sàng để loại bỏ những hạt gạo sen. Sàng loại xong, trà được đóng vào những chiếc túi làm bằng giấy chống ẩm để giữ lấy cả hương sen lẫn hương trà rồi sấy cho đến khi cánh trà khô, hương sen quyện thì bỏ ra. Lại ướp một lần sen thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, thứ năm tuỳ thuộc vào sở thích của người thưởng trà đậm hay nhạt. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện vào cánh trà, trà càng thơm. Trung bình, mỗi cân trà ướp cần từ 1000 - 1200 bông sen. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, mỗi cân trà sen được đổi bằng 2 - 3 chỉ vàng mà người sành trà vẫn nao nức lùng mua bằng được.
- Nhất thuỷ, nhị trà, tam pha, tứ ấm. Muốn có một chén trà ngon, điều trước tiên phải săn lùng cho được nguồn nước quý. Thứ đến mới là trà ngon, đôi bàn tay khéo léo của người pha và cuối cùng mới là bộ đồ trà chuẩn. Không hiểu, phải mất bao nhiêu năm uống trà và dày công tìm tòi, nghiên cứu, cổ nhân mới phát hiện ra được những chuẩn mực của nghệ thuật thưởng trà ấy. Chỉ biết rằng, ngay từ thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường, khi mà loài người còn uống trà như một thức uống hổ lốn (bỏ vỏ cam, muối, gừng vào trong trà rồi nấu như nấu canh) thì trà sư Lục Vũ, với tác phẩm “Trà kinh” đồ sộ đã có công nâng trà lên thành nghệ thuật, sánh vai cùng các môn nghệ thuật khác như cầm, kỳ, thi, hoạ Thậm chí, trà còn được các cao sĩ ca tụng, phẩm chất thanh tao của trà còn vượt lên trên cả “tửu” và “kỳ”. Cuốn sách được người đời tôn sùng là “thánh kinh” về trà ấy gồm 10 chương, trong đó, một trong những chương mà trà sư Lục Vũ viết hay nhất, theo tôi, chính là chương bàn về nước pha trà. Tôi vô cùng tâm đắc với cách cụ Lục Vũ đặt tên cho nước pha trà: Trà hữu. Nước là bạn thân thiết của trà. Chỉ nội cách gọi tên ấy thôi cũng đủ thấy cụ Lục Vũ nâng nước pha trà lên tầm quan trọng như thế nào. “Sơn thuỷ thượng, giang thuỷ trung, tĩnh thủy hạ. Trác tuyệt nhất là nước suối đầu nguồn. Thứ nhì là nước ở giữa dòng sông xa người ở. Và cuối cùng là nước giếng trên núi đá. Đó là ba nguồn nước pha trà mà cụ Lục Vũ rất ưa chuộng. Bản thân mỗi nguồn nước ấy, cụ Lục Vũ lại chia làm nhiều thứ hạng. Ví dụ, cũng là sơn thuỷ thượng nhưng nếu chúng ta hứng chỗ đầu ghềnh ngọn thác, chỗ chảy xiết thì theo cụ Lục Vũ: trà nhanh chín nhưng hương trà lại mau tan. Uống nước ấy thường xuyên chúng ta sẽ bị đau họng. Cũng là sơn thuỷ thượng nhưng nếu chúng ta hứng chỗ cuối nguồn, nước chảy lờ đờ thì trà lâu chín, hương trà quẩn không dậy hương và uống nước ấy thường xuyên chúng ta sẽ bị đau họng. Vẫn theo cụ Lục Vũ, chúng ta nên múc chỗ êm đềm nhất của dòng suối, múc nước chỗ ấy pha trà là tuyệt vời nhất. Cao thủ hơn một bậc, cụ Lục Vũ còn dày công nghiên cứu xem ở Trung Hoa có bao nhiêu con suối. Và trong bấy nhiêu con suối, chỉ có 22 dòng suối dùng để pha trà được thôi. Và rồi dòng suối nào pha hợp với trà gì, dòng suối nào pha hợp với trà gì? Đấy là tột đỉnh của sự công phu và tinh tế của bậc trà thần. Không phải ngẫu nhiên, hơn một ngàn năm đã trôi qua nhưng các bậc trà nhân khắp nơi nơi vẫn coi đó là cái “khuôn vàng thước ngọc” cho nghệ thuật trọn nước pha trà.
Ở Việt Nam, tuy không có một bậc cao nhân nào kỳ công đi tìm hiểu từng ngọn suối lạch sông như cụ Lục Vũ để xếp hạng nguồn nước nhưng dường như, trong đời sống thực tại thưởng trà của mình, người Việt ta cũng rất ưa chuộng nước suối. Từ xa xưa, nhiều bậc hiền nhân vì muốn xa lánh cõi tục trần, sẵn sàng treo ấn từ quan, rũ bỏ chốn phồn hoa đô hội, lên núi ở ẩn, dựng lều bên suối, để sẵn nước pha trà. Đại thi hào Nguyễn Trãi, người đã hoàn thành sứ mệnh hiển hách giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, mang lại thanh bình và tự chủ cho dân tộc, cũng chỉ ao ước: “Hà thời kết ốc vân phong hạ/ Cấp giản phanh trà chẩm thạch miên”. (Bao giờ dưới núi làm nhà/ Nước khe gối đá pha trà ngủ say). Cụ Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tuỳ bút kể rằng, rất nhiều lần cụ mời bạn nho sinh của mình lên núi cao, múc nước suối pha trà, ngước nhìn những cánh nhạn bay trên bầu trời và ngắm nhìn những lá đồng ngô lác đác rơi. Cụ Sáu trong truyện ngắn “Những chiếc ấm đất” của nhà văn Nguyễn Tuân thì “vang bóng một thời” bởi cái thú mê trà, sành trà và cầu kỳ trong nghệ thuật chọn nước pha trà không giống ai của mình. Suốt 10 năm uống trà là cả chục ngàn lần cụ cho người nhà lên trên chùa đồi Mai, một ngôi chùa cổ trên núi cao để xin nước giếng pha trà. Và đã nhiều lần cụ Sáu tâm sự với vị sư trụ trì ở chùa Đồi Mai rằng: “Đã đôi lần, tôi muốn rũ bỏ cái làng này ra đi. Nhưng hiềm một nỗi không thể mang theo nước giếng trên chùa Đồi Mai đi được nên buộc lòng tôi phải ở lại. Nói dại, vật đổi sao dời, nếu một ngày nào đó, nước giếng chùa Đồi Mai cạn, tôi sẽ không bao giờ uống trà nữa và sẵn sàng tặng tất cả những bộ đồ trà quý của tôi cho mọi người”. Bởi theo cụ Sáu, nước giếng trên chùa Đồi Mai là nước giếng đá ong. Nó trong vắt như thuỷ ngân, ngọt mát và đặc biệt, khi đun nước pha trà, không làm lệch lạc đi hương vị của trà. Nước mưa cũng là thứ nước được các bậc cao nhân trà xưa ưa chuộng. Đặc biệt, tương truyền, chúa Trịnh Sâm xưa, mỗi sáng tinh mơ thường cho người hầu của mình ra Hồ Tây hứng từng giọt sương đọng trên lá sen để pha trà. Nghe chuyện, tôi mạo muội nghĩ rằng, nếu như so sánh từng giọt sương trong vắt tinh khiết trên lá sen thanh sạch ấy với sơn thuỷ thượng của cụ Lục Vũ, không hiểu nước nào sẽ ngon hơn nước nào đây? Riêng tôi, nếu được chọn lựa, tôi sẽ chọn thứ “thiên thuỷ” trong ngần được chắt chiu từ hàng ngàn giọt sương long lanh đọng trên lá sen của chúa Trịnh Sâm hơn.
3. Ai là người có thể được coi là ông Tổ của nghệ thuật thưởng trà tại Việt Nam?
Không khó để thấy những bàn uống trà ngày nay có sự xuất hiện của nhiều loại trà cụ hơn, chất lượng ấm chén uống trà cũng được chú trọng hơn, cách pha với mỗi loại trà được nâng lên hẳn một vài bậc so với trước, thế nhưng, nếu nói đến việc thưởng trà, có lẽ người đầu tiên có thể được coi là ông Tổ của nghệ thuật thưởng trà tại Việt Nam đó là chúa Trịnh Sâm
Từ thế kỷ XVIII trở về sau, dòng Trà Cung đình Việt thanh cao và triết lý Trà Nô do Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782) khởi xướng. Một triết lý bình dị mà cao siêu, vừa giản đơn lại rất mực uyên thâm. Nó đánh dấu son và tạo dựng nét xuất thần độc đáo, đậm bản sắc riêng của dòng Trà Cung đình Việt nói riêng và nền văn minh Trà Việt nói chung. Ở ngôi vị chí tôn, trên tất thảy muôn người, Nhà Chúa phát hiện ra một “chân lý” nghe qua thật mộc mạc :’ Muốn thưởng thức được vị ngon của trà - hãy làm Nô bộc cho Trà’ - Và triết lý Trà Nô đã ra đời.
Người ta nói rằng, khi chúa Trịnh pha trà, thì nước pha trà phải được hứng từ sương sớm, đọng trên những bông sen, và lá sen Hồ Tây, được những người hầu nữ chèo đò ra đầm sen để hứng, như thế đã đủ thấy sự cầu kỳ, và trân trọng việc uống trà của chúa Trịnh Sâm đến thế nào.
3.1 Chúa Trịnh Sâm
Cái lý thú và là bản sắc riêng của văn hóa Trà Việt chính ở chỗ: bên cạnh dòng Trà Dân gian lại có một dòng Trà Cung đình, ban đầu chỉ dành riêng cho Vua chúa và tầng lớp thượng lưu quyền quý, cành vàng lá ngọc nhưng sau đã lan tỏa ra toàn xã hội. Âu đó cũng chính là nét đặc trưng rất riêng của văn hóa Trà Việt. Tuy nhiên phải chờ đến nửa sau của thế kỷ 18, dòng Trà Cung đình Việt mới được chỉ mặt, đặt tên, hàm chứa một triết lý uyên thâm mà các dòng văn hóa trà khác không khỏi ghen tỵ.
Thế kỷ 19, trà Việt được trà sĩ sành sỏi Cao Bá Quát (1809-1855), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, bổ sung thêm Triết lý-Trà Mộc. Tài thơ của ông nổi danh khắp nơi, được giới sĩ phu đương thời tôn vinh là Thánh Quát. Ông còn lưu dấu vào di sản Trà ca của thần trà Lưu Đồng Trung Hoa năm xưa. Cao Chu Thần tôn vinh cách thưởng thức trà với vị hương mộc mạc nguyên vẹn không ướp hoa mới thưởng thức hết cái vị đích thực của trà
Bài Tiểu kê uống trà của Thánh Quát ẩn chứa một triết lý riêng về kiểu thức ẩm trà mộc không hương và cũng là một trong những chính kiến ít ỏi mang tính hàn lâm cao siêu, uyên bác còn lại trong Trà kinh Việt.
Trà càng lan tỏa sâu rộng vào nếp sống Việt và dong Trà Cung đình Việt vốn chỉ ở chốn cung vàng điện ngọc đã dần được bình dân hóa vượt ra khỏi mọi nghi thức khuôn phép, len lỏi khắp chốn cùng nơi
Uống chè có ướp hoa
Biến mất hương chè rồi
Sáng sớm múc nước giếng
Lửa nhóm nắm than rời
Không khói, cũng không bụi
Rửa tay khề khà ngồi…
. Trà được khẳng định như một thuộc tính của phái mạnh :
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta…
(Trần Tế Xương)
Và là mốt thời thượng của đấng nam nhi đương thời :
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn Hảo ngâm Nôm Thúy Kiều
Trong một bài viết trước đây,
Shin tea có viết về lịch sử vùng trà Thái Nguyên và người được coi là ông Tổ của ngành trà tại Thái Nguyên, vậy thì Ông Tổ nghành trà ở Việt Nam là ai?
Đồ ký kiểu thời chúa Trịnh
3. 2 Ông tổ trà của Việt Nam – Danh y Tuệ Tĩnh3
Bộ sách có thể xem là bộ sách cổ nhất có nhắc đến trà là bộ Nam dược thần hiệu của Thánh sư Tuệ Tĩnh. Trong 499 vị thuốc Nam mà Thánh sư biên kỹ về dược tính, vị số 188 là Minh trà: “Trà ngon, vị ngọt, đắng tính hơi hàn, nhuận tạng, trừ tiệt khu phong, sáng mắt, nhẹ đầu, hạ đờm, trị chướng lý, tiêu thức ăn”.
Còn trong sách Trực giải chỉ nam dược tính phú ghi: “Trà vốn thông tâm giải khát, uống một bát thì muôn điều lo nghĩ tiêu tan”.
Thánh sư Tuệ Tĩnh không những dùng trà để làm giải khát mà còn là phương thuốc bệnh. Để trị bệnh đau lưng, ông ghi: “Trà ngon nấu nước đậm 3 chung, hòa với dấm chung uống ngay thì lành”. Hay kinh trị bị sương lạnh lở loét: “Hoắc dương, trà đầu xuân, bằng nhau đốt ra tro, hòa với dầu, phết lên trên lá mà đặt vào, rất hay”.
Có nhiều cuộc tranh luận, cũng như thảo luận trực tiếp giữa những người nghiên cứu văn hoá trà ở Việt Nam, cuối cùng, không ai có thể dám chắc rằng, ai mới là tổ trà của người Việt. Tuy nhiên, nếu dựa theo những thông tin tài liệu ít ỏi đọng lại, cũng như những đóng góp được ghi chép, chứng nhận thì tạm có thể thống nhất rằng, Danh y Tuệ Tĩnh chính là ông tổ trà của người Việt chúng ta.
Danh y Tuệ Tĩnh
Bài viết trên thay cho lời kết, và câu trả lời mà cá nhân Shin tea thấy hợp lý, và đồng quan điểm với những nhà nghiên cứu văn hoá trà Việt Nam hiện nay.
Trên đây, chỉ là quan điểm và kiến thức Shin tea sưu tầm và đồng quan điểm, quý khách có đóng góp xin đừng ngại ngần comment hay gửi tin nhắn cho chúng tôi, với mục đích xây dựng và phát triển tình yêu với cây chè cũng như văn hoá thưởng trà tại Việt Nam.
Đọc thêm những bài viết về trà thái nguyên tại đây
Tìm hiểu các sản phẩm chè tại Shin tea ở đây
BÀI ĐỌC THÊM VỀ DANH Y TUỆ TĨNH
Đền thờ danh y tại xã Cẩm Văn, tỉnh Hải Dương
Thiền sư Tuệ Tĩnh được mệnh danh là ông tổ của nghề thuốc Nam, để lại nhiều đóng góp lớn cho nền y học cổ truyền. Tuy nhiên, phần lớn người ta chỉ biết đến ông là một thần y, danh y nổi tiếng chứ ít ai hiểu rõ cuộc đời, những công trình y học cho đến các bài thuốc nổi tiếng của ông. Vì vậy, đừng quên theo dõi bài viết dưới đây để nắm chắc những thông tin về vị thần y này nhé!
Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (1330 – 1400) đi tu có pháp danh là Tuệ Tĩnh, biệt hiệu Thận Trai hay Tráng Tử Vô Dật, Hồng Nghĩa. Ông sinh ra và lớn lên tại làng Nghĩa Phú, Tổng Văn Thái, Phủ Thượng Hồng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Xuất thân trong một gia đình bần nông, mồ côi bố mẹ từ khi lên 6 tuổi, sau đó được gửi vào chùa tu tập với nhà sư chùa Hải Chiều (chùa Giám ngày nay) và được nhà sư cho ăn học ở chùa Keo.
Vào năm Tân Mão 1351 khi mới có 22 tuổi ông đã đỗ Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông nhưng nhất quyết ông không ra làm quan mà quay lại chùa tiếp tục con đường tu hành. Đến năm 1374 ông lại đậu đệ nhị giáp tiến sĩ tức Hoàng Giáp nhưng vẫn cương quyết giữ vững con đường tu hành và tiếp tục chuyên tâm nghiên cứu y học cổ truyền, làm thuốc chữa bệnh cứu người.
Tuệ Tĩnh là một vị danh y tài giỏi, khá nổi tiếng với những kiến thức y dược uyên bác. Cũng chính vậy, đến năm 1385, khi ông mới 55 tuổi thì bị cống sang chữa bệnh cho Vua và Hoàng Hậu nhà Minh và được phong là Đại y Thiền sư sau khi cứu người thành công. Kể từ đây, ông không còn cơ hội quay lại quê hương dù chỉ một lần, thế nhưng Tuệ Tĩnh vẫn dồn toàn tâm, toàn sức để nghiên cứu y học và làm thuốc. Sau này, người ta chỉ biết ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc chứ không chắc chắn là năm nào.
Quan điểm Y học của Tuệ Tĩnh thiền sư
Đối với Tuệ Tĩnh, ông không chỉ học y, hành y, không chỉ đơn giản là cứu người mà còn tổ chức, viết sách để lưu truyền những bài thuốc nam đến với nhân dân. Ông dạy nhân dân cách trồng thuốc chữa bệnh cho đến chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Có thể nói đây là tư tưởng cực kỳ tiến bộ của y học, chủ động phòng bệnh, tận dụng thảo dược thiên nhiên, phát huy thế mạnh của toàn dân sẽ tạo ra sức mạnh, tài sản quý báu cho các thế hệ sau.
Cuộc đời hành nghề y của Tuệ Tĩnh thiền sư gắn liền với câu nói nổi tiếng “Nam dược trị nam nhân”. Theo đó, ông phân tính rõ biện chứng tổng quát về dược lý chủ yếu là hướng điều trị từ 630 vị thuốc để chữa các bệnh như: ngoại cảm lục dâm, lao lực, trúng độc, uất khí, hỏa tích, đờm,…
Thiền sư Tuệ Tĩnh người mở đường cho y học cổ truyền Việt Nam
Bên cạnh đó, ông cũng phân tính thêm, Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm thường xuyên. Chính vì vậy, dân thường mắc các bệnh thiên về nhiệt, đờm hỏa hoặc khí hư yếu nên cần tìm những bài thuốc Đông y điều trị tả hỏa, hóa đàm, thanh nhiệt,…
Quan điểm hành nghề, nguyên tắc điều trị của ông không chỉ xuất phát từ lý tính mà còn có sự kết hợp giữa y đức, lòng yêu nước thương dân. Ông luôn lo lắng con dân phải chết vì bệnh tật. Do vậy, ông luôn cố gắng, dày công kiếm tìm những cây thuốc quanh mình để đưa vào chữa bệnh. Ngoài ra, ông còn kết hợp sử dụng các phương pháp như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt với chủ trương: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Đến nay đã gần 10 thế kỷ nhưng những phương pháp, châm ngôn hành nghề y của Tuệ Tĩnh thiền sư vẫn được lưu truyền, áp dụng thành công, thậm chí trở thành kim chỉ nam cho những danh y sau này trong đó điển hình nhất là Hải Thượng Lãn Ông.
Những thành tựu y học của vị danh y nổi tiếng
Những năm tháng sinh sống tại Việt Nam, ông dốc toàn tâm, toàn lực vào việc trồng thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh cũng như truyền nghề cho các học trò, nhân dân. Bên cạnh đó, ông tập trung viết sách để lưu giữ lại những bí quyết, bài thuốc trị bệnh quý báu. Trong đó nổi tiếng là bộ Nam dược thần hiệu với 10 chương chính, bộ sách Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển) với bản thảo 500 vị thuốc nam, bài Phú thuốc Nam 630 vị thuốc. Một số bộ sách khác như “Dược tính chỉ nam” và “Thập tam phương gia giảm”… nhưng không còn nguyên vẹn do giặc ngoại xâm sang chiếm nước ta và phá hủy nhiều tịch thư lớn.
Những bài thuốc của thiền sư Tuệ Tĩnh được các danh y kế thừa, phát huy đến ngày nay.
Theo đó, đến năm 1972 nhà xuất bản Y học đã tiến hành in ấn, phát hành cuốn “Nam Dược Thần Hiệu” với một bộ 11 cuốn, quyển đầu tiên nói về dược tính của 119 vị thuốc nam, 10 quyển còn lại mỗi quyển đi sâu về một khoa điều trị bệnh. Còn cuốn: “Hồng Nghĩa giác tư y thư” của Tuệ Tĩnh cũng được in năm 1978 gồm 9 phần, dày gần 400 trang.
Đặc biệt, danh y Tuệ Tĩnh còn tự mình truyền bá những phương pháp, cơ sở điều trị bệnh trong các thôn xóm, nhà chùa. Theo một số tài liệu cho biết, ông đã xây dựng được 24 ngôi chùa, cơ sở chữa bệnh và tổng hợp được 182 các bệnh với 3873 bài thuốc. Đồng thời, ông cũng không quên nhắc nhở mọi người phòng bệnh, rèn luyện cơ thể, xây dựng chế độ sinh hoạt điều độ. Cụ thể qua 2 câu thơ:
“Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần
Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”.
Có thể nói, thần y Tuệ Tĩnh là người mở đầu trong sự nghiệp nghiên cứu các bài thuốc Nam, xây dựng nền móng cho Y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Những bài thuốc, kinh nghiệm quý báu của ông đã cứu sống hàng trăm nghìn người, thoát khỏi nỗi sợ bệnh tật. Đặc biệt, với những tài liệu, sổ sách để lại tạo cơ hội cho thế hệ sau thừa kế và phát huy những tinh hoa, giá trị cũ, đưa nền y học Việt phát triển bền vững.
Đền thờ danh y Tuệ Tĩnh ngày nay
Để ghi nhớ công ơn của ông với nước, nhà vua Lê đã cho xây dựng Đền Bia thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng. Sau đó, đến năm 1936, 2007 đền được trùng tu lại.
Đền Bia gồm ba tòa là: Tiền tế, Nhị đệ, cuối cùng là Hậu cung theo lối kiến trúc tiền nhất hậu đinh. Trong đó, ở Hậu cung, trong khám thờ tượng Tuệ Tĩnh với hình ảnh một bức tượng đồng ngồi trên ngai nhỏ, mặc áo thêu hình rồng, đầu đội khay, mắt sáng, râu dài, hai tay chắp trước ngực.
Theo các sử sách trong chùa ghi lại cho biết, bức tượng này do chính nhân dân làng Văn Thai tự tay đúc từ những ngày đầu xây dựng đền. Qua cách tạc hình, tư thế của tượng có thấy nhân dân đã đặt vị trí của Tuệ Tĩnh như là một vị Bồ Tát hóa thân cứu dân của Chuẩn đề vương Bồ Tát.
Không chỉ được thờ tại Hải Dương thiền y còn được nhân dân xã Yên Lư, huyện Thủy Nguyên, ngoại thành Hải Phòng lập đền thờ mang tên Thành hoàng có sắc phong là Thượng thượng đẳng phúc thần vào năm 1572.
Bài viết đã cung cấp những thông tin cụ thể về tiểu sử, cuộc đời cũng như sự nghiệp y học của thiền sư Tuệ Tĩnh. Hy vọng, với những kiến thức trên có thể giúp quý độc giả hiểu sâu hơn về nguồn cội của y học cổ truyền nói chung cũng như vị danh y Tuệ Tĩnh nói riêng.